Hạt xi măng được phủ các ống nano cacbon và sợi nano chống bức xạ điện từ
Theo thông cáo báo chí của Đại học bách khoa St. Petersburg, Nga, bảo vệ con người khỏi bức xạ điện từ là điều kiện cần thiết và quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Một trong những cách bảo vệ là sử dụng vật liệu xây dựng hấp thụ sóng vô tuyến. Và loại vật liệu như vậy đã được các nhà khoa học ở Viện kỹ thuật xây dựng thuộc Đại học bách khoa St. Petersburg, Nga phát triển trong khuôn khổ Dự án 5 – 100.
Nhà nghiên cứu Artemiy Cherkashin đã đề xuất một công thức độc đáo cho loại vật liệu xây dựng composite với các đặc tính hấp thụ sóng vô tuyến. Và mức độ hấp thụ sóng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào điều kiện xây dựng. Vật liệu thu được gồm chất kết dính dựa trên chất liệu xi măng – cacbon, nước và chất phụ gia chức năng, trong đó, xi măng được gắn với các ống nano cacbon và các sợi nano trên bề mặt.
Mức độ hấp thụ sóng vô tuyến trong vật liệu được điều chỉnh bởi độ dày của lớp phủ, nồng độ và tỷ lệ của chất độn với chất kết dính. Lớp phủ càng dày, vật thể càng trở nên “vô hình” đối với radar. Nhờ thành phần chứa loại xi măng đã được cấy các ống nano nên chi phí sản xuất vật liệu mới giảm được đáng kể.
Các đặc tính của vật liệu nói trên đã được kiểm tra trên các thiết bị đo lường đặc biệt. Kết quả kiểm tra xác nhận các đặc tính hấp thụ sóng vô tuyến và chứng minh khả năng che giấu hoàn toàn các vật thể khác nhau (khi cần thiết) bằng vật liệu như vậy khỏi trường điện từ.
Trong tương lai, các nhà sản xuất bê tông sẽ có thể điều chỉnh sản xuất và thu được nguyên liệu với các đặc tính hấp thụ sóng vô tuyến cần thiết ngay ở giai đoạn sản xuất xi măng tại nhà máy, mà không cần phải pha trộn các chất phụ gia khác nhau sau đó.